Trước nguy cơ cao bùng phát dịch Sởi, sáng ngày 28/3/2025, Trạm Y tế phường Ngọc Khánh tiếp tục tổ chức tiêm vét vắc xin phòng bệnh Sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi.
Hiện nay bệnh Sởi đang có xu hướng gia tăng và tại Hà Nội đã ghi nhận ca đầu tiên tử vong do Sởi. Bệnh nhân chủ yếu thuộc đối tượng chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vắc xin. Khả năng số ca mắc Sởi có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Để ngăn chặn dịch lây lan, Trạm Y tế phường Ngọc Khánh đã tích cực tuyên truyền, vận động và mời người dân cho trẻ đến Trạm Y tế tiêm vắc xin phòng Sởi miễn phí mũi 1 hoặc mũi 2 theo văn bản chỉ đạo của cấp trên.
Đối với các trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi, khi có nhu cầu tiêm mũi 3 nhắc lại thì có thể đến Trạm Y tế phường Ngọc Khánh tiêm dịch vụ.
Cách phòng Sởi cho trẻ em và người lớn hiệu quả:
1. Vắc xin sởi là cách ngừa bệnh sởi hữu hiệu nhất
Cách phòng bệnh sởi tốt nhất là tiêm vắc xin phòng sởi đầy đủ từ 2 mũi, tiêm đúng lịch và tiêm càng sớm càng tốt cho trẻ trong độ tuổi khuyến cáovà người lớn để giúp cơ thể được bảo vệ trước sự tấn công của virus sởi.
2. Phòng ngừa sởi qua vệ sinh cá nhân
– Rửa tay thường xuyên :
Virus sởi lây lan chủ yếu qua các giọt bắn từ người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc giao tiếp và chúng có thể tồn tại trên các bề mặt như bàn ghế, tay nắm cửa lên tới 2 giờ đồng hồ.
Nếu bản thân chưa mắc sởi hoặc chưa từng tiêm vắc xin sởi, ở chung không gian kín với người bệnh, nguy cơ lây nhiễm sởi rất cao qua đường hô hấp.
Vì vậy, một trong những cách phòng bệnh sởi đơn giản, hiệu quả là tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thường xuyên, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc môi trường công cộng, trước và sau khi ăn/ đi vệ sinh để giúp loại bỏ virus khỏi tay và ngăn ngừa việc lây lan qua tiếp xúc.
– Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi :
Khi ho hoặc hắt hơi, các giọt dịch từ đường hô hấp chứa virus có thể phát tán ra môi trường xung quanh và lây nhiễm cho người khác. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người nên sử dụng khăn giấy để che miệng và mũi khi ho, hắt hơi nhằm ngăn chặn sự lây lan và phát tán của virus. Sau khi sử dụng, khăn giấy cần được vứt bỏ ngay vào thùng rác kín và rửa tay sạch sẽ để đảm bảo an toàn. Đây là cách phòng ngừa sởi hiệu quả.
– Tránh tiếp xúc với người bệnh :
Sởi có khả năng lây lan rất cao, vì vậy ngay khi phát hiện có ca mắc Sởi, cần cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc đến 4 ngày sau khi phát ban. Ngoài ra, mỗi người cũng cần hạn chế đến những khu vực đông người như trường học, bệnh viện, nơi công cộng khi có dịch để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm virus sởi đến từ cộng đồng. Đây là một trong những cách phòng bệnh sởi hiệu quả và cần được thực hiện nghiêm túc để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.
– Vệ sinh môi trường sống :
Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh, môi trường sống cũng cần được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, đảm bảo luôn thoáng khí. Mỗi người cần chủ động lau chùi, khử trùng các bề mặt thường xuyên tiếp xúc như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, bàn ghế, điều khiển tivi, điều khiển máy lạnh, các thiết bị điện tử, đồ chơi trẻ em để loại bỏ virus bám vào các vật dụng này.
Ngoài ra, mỗi gia đình cũng có thể trang bị thêm máy lọc không khí để lọc bụi bẩn trong không khí, các hạt bụi siêu vi, đồng thời giúp khử mùi cũng như các tác nhân gây bệnh khác tồn tại trong không khí, bảo vệ hệ hô hấp cho các thành viên trong gia đình.
3. Chế độ dinh dưỡng tốt để tăng cường đề kháng
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể phòng ngừa và chống lại bệnh sởi. Để duy trì sức đề kháng tốt, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng các nhóm chất và dưỡng chất thiết yếu:
– Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sởi.
– Bên cạnh đó, bổ sung vitamin C – một chất chống oxy hóa mạnh, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch là một trong những cách phòng bệnh sởi đơn giản, hiệu quả cao.
– Protein đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các kháng thể bảo vệ cơ thể.
Tóm lại, việc cân đối dinh dưỡng hàng ngày, kết hợp cùng lối sống lành mạnh như uống đủ nước, ngủ đủ giấc và vận động thể dục thể thao hợp lý sẽ giúp cơ thể duy trì sức đề kháng tốt, cách ngừa bệnh sởi hiệu quả, đồng thời đẩy nhanh quá trình phục hồi sức khỏe cho người mắc bệnh sởi.
4. Cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ để có đề kháng tốt
Nuôi con bằng sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho trẻ sơ sinh trong suốt những năm tháng đầu đời. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn ít nhất trong 6 tháng đầu sau khi sinh.
Nghiên cứu cho thấy, kháng thể chính trong sữa mẹ là kháng thể bề mặt (Secretory Immunoglobulin A – IgA), nhiều gấp 10-100 lần so với lượng kháng thể này có trong máu. IgA bao phủ phổi và ruột của trẻ, ngăn vi trùng xâm nhập vào cơ thể và máu, đảm bảo trẻ được bảo vệ khỏi nhiều bệnh tật và hỗ trợ sự trưởng thành của hệ thống miễn dịch đang phát triển của trẻ.
5. Tiêm chủng trước mang thai để phòng bệnh
Tiêm chủng trước khi mang thai, đặc biệt là vắc xin phòng sởi, là một biện pháp quan trọng giúp bảo vệ cả mẹ và thai nhi khỏi những biến chứng nguy hiểm do sởi gây ra. Bệnh sởi trong thai kỳ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như sẩy thai, sinh non hoặc thậm chí dị tật bẩm sinh.
Ngoài ra, phụ nữ nếu mắc sởi trong thời điểm sinh nở em bé sẽ có nguy cơ mắc viêm màng não xơ cứng bán cấp SSDE – thường khởi phát khi trẻ ở vị thành niên, gây co giật, hôn mê, động kinh thậm chí tử vong sau 1-3 năm. Do đó, chuyên gia khuyến cáo phụ nữ cần hoàn thành phác đồ tiêm vắc xin phòng sởi trước khi mang thai tốt nhất ba tháng để cơ thể kịp sản sinh kháng thể đặc hiệu bảo vệ cả hai mẹ con.
Một số hình ảnh ghi nhận được tại buổi tiêm: