Người cao tuổi theo định nghĩa của Liên Hợp Quốc là những người có độ tuổi từ 60 tuổi trở lên. Người cao tuổi có nguy cơ mắc nhiều bệnh hơn những lứa tuổi khác. Thời tiết mùa lạnh như hiện nay nguy cơ đột quỵ đối với người cao tuổi ngày càng tăng cao.
Theo thống kê năm 2025, số lượng người cao tuổi trên địa bàn phường chiếm khoảng 25% (3386/13580 người). Tỷ lệ người cao tuổi ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dân số của phường, do khoa học phát triển, y học tiến bộ, đời sống của con người được cải thiện về chất lượng… nên tuổi thọ cũng tăng theo. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tỷ lệ mặc bệnh sẽ giảm. Người cao tuổi có nguy cơ mắc nhiều bệnh hơn những lứa tuổi khác. Những bệnh thường gặp ở người cao tuổi như đột quỵ, viêm phổi, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, suy tim, bệnh Parkinson, hội chứng tiền đình, loãng xương, viêm phế quản cấp…
Thời tiết mùa lạnh như hiện nay nguy cơ đột quỵ đối với người cao tuổi ngày càng tăng cao.
Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể khiến não bộ thiếu ôxi, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vài phút nếu không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết.
Có 2 loại đột quỵ là do thiếu máu cục bộ và do xuất huyết não.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Chiếm khoảng 85 % tổng số các ca đột quỵ hiện nay. Đây là tình trạng đột quỵ do các cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, cản trở quá trình máu lưu thông lên não.
Đột quỵ do xuất huyết: Đột quỵ do xuất huyết là tình trạng mạch máu đến não bị vỡ khiến máu chảy ồ ạt gây xuất huyết não. Nguyên nhân khiến mạch máu vỡ là do thành động mạch mỏng yếu hoặc xuất hiện các vết nứt, rò rỉ.
Dấu hiệu của bệnh đột quỵ:
Cơ thể mệt mỏi, đột nhiên cảm thấy không còn sức lực, tê cứng mặt hoặc một nửa mặt, nụ cười bị méo mó
Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Dấu hiện đột quỵ chính xác nhất là không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.
Khó phát âm, nói không rõ chữ, bị dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn thực hiện phép thử bằng cách nói những câu đơn giản và yêu cầu người bệnh nhắc lại nếu khong thể nhắc lại được thì người bệnh đó đang có dấu hiệu đột quỵ
Hoa mắt chóng mặt người mất thăng bằng đột ngột, không phối hợp được các hoạt động
Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ
Đau đầu dữ dội, cơn đau đầu đến rất nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn
Nguyên nhân của bệnh đột quỵ
Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, bao gồm các yếu tố không thể thay đổi và các yếu tố bệnh lý.
– Các yếu tố không thể thay đổi như tuổi tác, giới tính, tiền sử gia đình…
– Các yếu tố bệnh lý như bệnh đái tháo đường, tim mạch, cao huyết áp, mỡ máu, thừa cân béo phì, hút thuốc…,
Ngoài ra, đột quỵ cũng được cho là có liên quan đến việc sử dụng các chất kích thích, uống quá nhiều rượu…
Cách phòng tránh bệnh đột quỵ:
– Ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý là cách phòng tránh đột quỵ hiệu quả như :
+ Ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc
+ Ăn nhiều thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein cho cơ thể, hạn chế ăn các loại thịt đỏ
+ Hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo, đồ chiên xào, thức ăn nhanh
+ Hạn chế các loại đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều đường
+ Uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu lành…
– Tập thể dục hàng ngày giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh.
– Giữ ấm cơ thể: Nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe.
– Không hút thuốc lá: Hút thuốc là là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng đột quỵ
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ:
+ Kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.
Số lượng người cao tuổi mắc bệnh đột quỵ ngày càng tăng cao, Trạm y tế tổ chức chiến dịch tuyên truyền lưu động dưới địa bàn dân cư.
Đây là một số hình ảnh trong đợt tuyên truyền vừa qua: