Ngày 30/11/2024 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 173/2024/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tại Nghị quyết, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025 nhằm bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.
Theo tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong cho hơn 8 triệu người mỗi năm trên toàn cầu, và không có bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít hại hơn thuốc lá điếu. Thuốc lá thế hệ mới đều chứa nicotine gây nghiện và có hại, đặc biệt với não bộ trẻ em. Một số sản phẩm thuốc lá điện tử còn chứa các chất độc hại cao hơn thuốc lá điếu thông thường.
Nhiều năm qua, thuốc lá đã trở thành một trong những nguyên nhân chính gây các bệnh không lây nhiễm như ung thư phổi, tim mạch, đột quỵ và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Theo Bô Y tế, trên cơ sở liên quan đến tác hại của các loại thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đã có rất nhiều báo cáo khoa học cho thấy, các loại thuốc lá mới ảnh hưởng nguy hiểm tới sức khoẻ của con người.
Các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có khả năng gây nghiện nhanh, đặc biệt đối tượng học sinh, sinh viên. các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội. Nguy hiểm hơn, khi sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn gây ảnh hưởng lớn đến lối sống của giới trẻ, với hậu quả như: rối loạn về nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập, rối loạn tâm thần… Đặc biệt, những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn. Vì vậy sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng trong tương lai.
Theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023). Sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (15-24 tuổi) với tỉ lệ là 7,3%; nhóm tuổi 25-44 tuổi là 3,2% và nhóm tuổi 45-64 tuổi là 1,4%.
Qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Triệu chứng các bệnh nhân khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Tại Hà Nội, theo Nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế năm 2020 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8 đến lớp 12 là 8,35%, ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.
Mặc dù công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá truyền thống cũng như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã được triển khai thường xuyên, rộng khắp trên khắp các phương tiện truyền thông nhưng việc sử dụng thuốc truyền thống cũng như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nong vẫn gia tăng, đặc biệt ở giới trẻ. Vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tác hại của các loại thuốc lá, nâng cao nhận thức của người dân để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho cộng đồng.
Nguồn: CDC Hà Nội