Nhằm giúp phụ nữ hiểu biết để có một thai kỳ khỏe mạnh và sinh ra đứa trẻ khoẻ mạnh, thông minh, Nhà Hộ sinh Ba Đình cung cấp thông tin về khám thai định kỳ và các mốc quan trọng cần khảo sát trong thai kỳ
1. Khám thai lần đầu tiên khoảng tuần thứ 5 – 8
Trong lần khám này, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số đánh giá sau:
Kiểm tra cân nặng và chiều cao để tính chỉ số BMI của cơ thể, nhằm đánh giá tình trạng thừa cân hoặc béo phì. Nếu phát hiện bất thường, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách kiểm soát cân nặng trong thai kỳ để hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.
Thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra hormone βHCG trong trường hợp siêu âm chưa rõ túi thai hoặc có dấu hiệu thai bất thường.
Bác sĩ sẽ tính tuổi thai và ngày dự sinh của em bé dựa vào ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra một số bệnh như: Bệnh sởi, bệnh thủy đậu, viêm gan B, bệnh giang mai, HIV/AIDS, yếu tố Rh, nhóm máu và đánh giá tình trạng thiếu máu.
Tại buổi khám này, bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ về cách bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết trong thai kỳ, hướng dẫn xây dựng lối sống và nhắc nhở về các loại thuốc và thực phẩm cần tránh. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra và đánh giá nguy cơ sảy thai để có biện pháp dự phòng.
2. Lần khám thai thứ 2: Trong khoảng thời gian từ tuần thứ 11 – 14 tuần.
Lần khám thai thứ hai là một trong các mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu cần lưu ý. Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu và siêu âm để đánh giá sức khỏe của mẹ cũng như tình trạng phát triển của thai nhi.
Bác sĩ cũng sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm Double test và siêu âm để kiểm tra các bất thường lớn có thể xảy ra ở tuổi thai này, chẳng hạn như thai vô sọ, thoát vị rốn hoặc bàng quang lớn.
Đặc biệt, siêu âm đo độ mờ da gáy sẽ được thực hiện để đánh giá nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Down và một số bệnh bất thường về nhiễm sắc thể như bệnh Edward hoặc Patau. Nếu kết quả siêu âm đo độ mờ da gáy cho thấy thai nhi có nguy cơ cao mắc bệnh di truyền, bác sĩ sẽ tư vấn các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác, chẳng hạn như xét nghiệm NIPT (xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn) hoặc sinh thiết gai nhau.
Xét nghiệm NIPT có ưu điểm nổi bật là không xâm lấn, hoàn toàn không gây hại cho thai nhi và có thể thực hiện từ tuần thứ 10 trở đi. NIPT được khuyến cáo chỉ định cho các đối tượng có nguy cơ cao và thậm chí có thể là lựa chọn đầu tay cho các mẹ bầu trong việc sàng lọc lệch bội ở quý 1.
Ngoài ra, đây là thời điểm thích hợp để tiến hành xét nghiệm đánh giá nguy cơ tiền sản giật, giúp thai phụ thuộc nhóm nguy cơ cao có thể dự phòng bằng thuốc.
3. Lần khám thai thứ 3: Từ tuần 16-22
Một trong các mốc khám thai quan trọng là lần khám thứ 3. Trong lần khám thai này, bác sĩ sẽ tiếp tục thực hiện các kiểm tra thường quy như cân nặng, huyết áp, siêu âm và xét nghiệm nước tiểu để theo dõi sự phát triển của thai nhi.
Nếu xét nghiệm Double test chưa được thực hiện, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm Triple test. Loại xét nghiệm máu này được thực hiện trong khoảng từ tuần thứ 15 đến 18 của thai kỳ. Các xét nghiệm này nhằm sàng lọc các bệnh như ở quý 1 thai kỳ nhưng có độ nhạy thấp hơn so với Double test.
Nếu các xét nghiệm trước đó cho thấy thai nhi có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện xét nghiệm chọc ối vào khoảng giữa tuần thứ 15 đến 18 của thai kỳ. Thai phụ cần lưu ý rằng thủ thuật này có nguy cơ gây sảy thai, tuy nhiên tỷ lệ này khá thấp, chỉ khoảng dưới 1%.
4. Lần khám thai thứ 4: Trong khoảng thời gian từ tuần 22-24
Để theo dõi thai kỳ, bác sĩ sẽ thực hiện các đánh giá sau:
– Kiểm tra cân nặng.
– Đo huyết áp.
– Khám thai: Đo khoảng cách từ đáy tử cung xuống xương mu (còn gọi là đo chiều cao tử cung và vòng bụng sản phụ) để theo dõi sự phát triển của thai nhi, cũng như kiểm tra nhịp tim thai.
– Xét nghiệm nước tiểu.
– Siêu âm tầm soát dị tật thai nhi: Bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm 4D để kiểm tra hình thái của thai nhi, phát hiện các bất thường liên quan đến tim, chân tay, bụng, xương, não, cột sống và thận. Đồng thời, siêu âm cũng giúp kiểm tra vị trí bám của nhau thai và lượng nước ối.
Tầm soát đái tháo đường thai kỳ: Bằng nghiệm pháp dung nạp glucose để phát hiện kịp thời đái tháo đường thai kỳ, từ đó có thể can thiệp bằng cách thay đổi chế độ ăn, lối sống và có thể dùng thêm insulin nếu cần thiết.
Tiêm vắc xin uốn ván: Tiêm mũi đầu tiên của vắc xin uốn ván VAT.
5. Lần khám thai thứ 5: Từ tuần 26-28
Bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi huyết áp, cân nặng và thực hiện xét nghiệm nước tiểu cho bà mẹ để đánh giá xem có tình trạng cao huyết áp hoặc tiền sản giật hay không.
Siêu âm sẽ được thực hiện trong quý 3 của thai kỳ nhằm phát hiện các bất thường khởi phát muộn ở thai nhi, như tắc ruột, giãn não thất hoặc nhiễm trùng bào thai, đồng thời theo dõi sự phát triển của thai nhi. Trong lần khám thai này, thai phụ cũng sẽ được tiêm mũi thứ 2 vắc xin uốn ván VAT. Do đó, đây là một trong các mốc khám thai quan trọng mà mẹ bầu không nên bỏ qua.
6. Lần khám thai thứ 6: Từ tuần 30- 34
Bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp, siêu âm thai để ước tính kích thước của thai nhi, nhau thai và lượng nước ối, xác định ngôi thai, cũng như thực hiện xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm non-stress nhằm theo dõi sự phát triển của thai nhi.
7. Lần khám thai thứ 7: Từ tuần 36-40
Bác sĩ sẽ thực hiện các đánh giá tương tự trong lần khám thai thứ 6 để theo dõi sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ. Bộ xét nghiệm máu và nước tiểu cơ bản sẽ được thực hiện, cùng với việc nuôi cấy dịch âm đạo để tìm kiếm liên cầu khuẩn nhóm B.
– Siêu âm đánh giá sự phát triển thai nhi, ngôi thai, cân nặng, bánh rau, nước ối.
– Chạy monitor theo dõi cơn co tử cung
– Tiên lượng sinh thường hay sinh mổ
PHỤ NỮ MANG THAI HÃY ĐI KHÁM THAI VÀ SÁNG LỌC TRƯỚC SINH ĐỂ SINH RA NHỮNG ĐỨA CON KHOẺ MẠNH