PHỤ NỮ MANG THAI VỚI BỆNH SỞI

Sởi là một bệnh truyền nhiễm không còn xa lạ với nhiều người. Ở những đối tượng có hệ miễn dịch yếu như mẹ bầu, nếu bị sởi thì sẽ có dấu hiệu như thế nào? Sởi có ảnh hưởng đến thai kỳ và thai nhi không? Bà bầu bị sởi phải làm sao? Cách phòng sởi cho mẹ bầu như thế nào?

Nguyên nhân bệnh sởi ở phụ nữ mang thai.

Giống như những đối tượng khác, sởi ở phụ nữ mang thai vẫn do virus sởi gây ra. Đây là một loại virus thuộc họ Paramyxovirus gây ra và nó thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp và qua không khí. Virus lây nhiễm qua đường hô hấp, sau đó lây lan khắp cơ thể.

Bệnh sởi có thể xảy ra đối với những phụ nữ mang thai chưa tiêm ngừa đầy đủ và có tiếp xúc với người đang mắc bệnh sởi. Phụ nữ mang thai không được tiêm phòng không chỉ có nguy cơ nhiễm bệnh mà còn có nguy cơ gặp phải các biến chứng thai kỳ nặng nề.

Trước khi tìm ra vắc-xin, sởi là bệnh dịch xảy ra một lần trong khoảng 2 – 3 năm và có thể gây tử vong đến 2.600.000 ca mỗi năm. Năm 2018, vẫn có hơn 140.000 ca tử vong do sởi, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi dù đã có vaccine..

Dấu hiệu bệnh sởi khi mang thai

Cũng tương tự như những đối tượng khác, mẹ bầu mắc bệnh sởi thường bắt đầu với dấu hiệu sốt cao, bắt đầu khoảng 10 đến 12 ngày sau khi tiếp xúc với virus và sốt kéo dài từ 4 đến 7 ngày. Sổ mũi, ho, mắt đỏ và chảy nước mắt, xuất hiện các đốm trắng nhỏ bên trong má có thể phát triển trong giai đoạn đầu

Phát ban sẽ xuất hiện sau đó vài ngày, thường ở mặt, cổ và lan rộng ra đến bàn tay và bàn chân. Phát ban kéo dài từ 5 đến 6 ngày rồi mờ dần

Mẹ bầu bị sởi có nguy hiểm không?

Phụ nữ mang thai không được tiêm phòng sởi không chỉ có nguy cơ nhiễm bệnh mà còn có nguy cơ gặp phải các biến chứng thai kỳ nặng nề. Cụ thể, mẹ bầu mắc sởi có thể dẫn đến biến chứng sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Biến chứng về hô hấp cũng phổ biến hơn ở phụ nữ mang thai mắc sởi so với phụ nữ không mang thai.

Mặt khác, mắc sởi trong thai kỳ không liên quan đến việc tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Khi mẹ bầu nhận thấy những dấu hiệu của bệnh sởi thì nên liên hệ bác sĩ để được tư vấn ngay. Tùy vào tình trạng mà bác sĩ có thể yêu cầu phụ nữ mang thai đến bệnh viện hoặc không để tránh lây lan virus cho người khác.

Ngoài ra, thai phụ cũng nên quan tâm đến những biến chứng của bệnh sởi bao gồm viêm tai giữa và viêm phổi để liên hệ bác sĩ ngay khi cần thiết.

Điều trị sởi ở phụ nữ mang thai

Không có phương pháp điều trị kháng virus cụ thể nào đối với bệnh sởi.

Các biến chứng nghiêm trọng do bệnh sởi có thể giảm bớt thông qua chăm sóc hỗ trợ đảm bảo dinh dưỡng tốt, uống đủ nước và điều trị mất nước bằng dung dịch bù nước đường uống theo khuyến cáo. Giải pháp này thay thế chất lỏng và các yếu tố thiết yếu khác bị mất do tiêu chảy hoặc nôn mửa.

Đồng thời, phụ nữ mang thai cũng có thể dùng Paracetamol để hạ sốt – hãy nhớ kiểm tra hướng dẫn về liều lượng trên bao bì. Điều quan trọng cần lưu ý là phụ nữ mang thai cần phải tránh các loại thuốc giảm đau khác trong giai đoạn này. Liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào trong thời kỳ mang thai.

Cách phòng bệnh sởi cho bà bầu

Hiện nay, cách tốt nhất để ngừa sởi là tiêm vắc-xin phòng bệnh. Phụ nữ cần tiêm ngừa vắc-xin phòng sởi khi chuẩn bị có kế hoạch mang thai. Sau khi tiêm vắc-xin ngừa sởi, cần tránh thai ít nhất 4 tuần. Đặc biệt, phụ nữ đang mang thai không được tiêm ngừa sởi. Mẹ bầu nên trì hoãn việc tiêm sởi đến khi kết thúc thai kỳ.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai nên tránh tiếp xúc với những người đang mắc bệnh sởi hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm khác.

Mẹ bầu cũng nên rửa tay bằng xà phòng, mang khẩu trang khi đến nơi đông người để tránh bị lây lan bệnh sởi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Action