Chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2024 là “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” (Land restoration, desertification and drought resilience).
Ngày Môi trường thế giới (World Environment Day) là ngày lễ quốc tế được tổ chức hàng năm vào ngày 05 tháng 6 để nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường toàn cầu và khuyến khích hành động để bảo vệ môi trường Trái Đất. Từ đó đến nay, số lượng quốc gia hưởng ứng ngày và hoạt động này đã lên đến con số 150. Trong tuần có ngày 5/6, những hoạt động, sự kiện, việc làm giúp giữ gìn môi trường sẽ được thực hiện, tổ chức. Ngày kỷ niệm hàng năm sẽ được luân phiên tổ chức ở nhiều quốc gia hưởng ứng tham gia. Đây cũng là dịp để truyền bá rộng rãi cho người dân toàn thế giới hiểu và nắm rõ tầm quan trọng của môi trường và các giải pháp để bảo vệ. Mục tiêu lớn nhất và cũng được xem là ý nghĩa nhất của ngày này là thúc đẩy mọi người thật sự hiểu được tầm quan trọng của việc giữ môi trường sạch, không ô nhiễm. Cốt yếu nhờ sự kiện này mà tạo ảnh hưởng lên toàn bộ người dân thế giới vì sự bảo vệ không chỉ một hay hai ngày mà đây là một quá trình phải được thực hiện một cách nghiêm túc liên tục.Hàng năm, các quốc gia sẽ nhận được thông điệp từ Tổng thư ký UNEP về các vấn đề như định hướng, bảo vệ môi trường xanh như thế nào,… Sau đó, các đất nước sẽ cùng đồng lòng ký kết và đảm bảo thực hiện. Việt Nam chúng ta tham gia hưởng ứng Ngày môi trường thế giới lần đầu vào năm 1982. Đây được xem là bước đầu của việc giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên hùng vĩ của nước nhà.
Chủ đề Ngày Môi trường Thế giới năm 2024 là “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” (Land restoration, desertification and drought resilience). Chủ đề này được Liên Hợp Quốc lựa chọn nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.
Căn cứ vào tình hình thực tế, quận Ba Đình chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và sinh thái của từng vùng; tập trung rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất; điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm đảm bảo các khu vực này phải được khoanh vùng; Có kế hoạch xây dựng và thực hiện kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định; có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên địa bàn.
Bên cạnh đó, bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế chính sách, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu phòng, chống sa mạc hóa; Điều tra đánh giá thực trạng hoang mạc hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về sa mạc hóa, xây dựng bản đồ hạn hán cho các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp; tổ chức các hoạt động chuyển giao công nghệ và những kết quả về hợp tác quốc tế, hợp tác khu vực, trong đó có sáng kiến về giảm phát thải thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, sáng kiến về chi trả dịch vụ môi trường rừng… Chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, phát triển sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ hoặc bị sa mạc hóa. Đồng thời, nghiên cứu và áp dụng những giải pháp tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước và bảo vệ bề mặt của đất. Đặc biệt, các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, là nhiệm vụ quan trọng của quá trình phát triển bền vững gắn chặt với các chương trình dự án, sáng kiến có liên quan tới biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và phát triển sinh kế bền vững.
Các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp (đặc biệt là hoạt động chăn nuôi và canh tác nông nghiệp) cần được chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chất thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về chất thải tương ứng trước khi thải ra môi trường, đặc biệt nghiêm cấm việc xả thải không đúng quy định ra môi trường đất; Đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, các mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển kinh tế xanh.
Căn cứ tình hình thực tế, cao điểm từ cuối tháng 5 đến kết thúc tháng 6 năm 2024, các tổ chức cộng đồng triển khai các cuộc Mít tinh, phong trào ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải. Phát động Chiến dịch chung tay bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu bằng các hành động thiết thực, hiệu quả. Treo băng rôn, pano, áp phích (khuyến khích sử dụng từ các vật liệu có tính thân thiện môi trường) tại các cơ quan, đơn vị, địa điểm công cộng phù hợp để đẩy mạnh tuyên truyền chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024 đạt tính lan tỏa cao.