Sáng ngày 03 tháng 04 năm 2025 tại Trạm y tế Phường Vĩnh Phúc cùng các Bác sỹ của TTYT quận Ba Đình tổ chức khám sức khỏe An toàn thực phẩm cho 116 người đang kinh doanh dịch vụ ăn uống, các bếp ăn tập thể và các trường Mầm non trên địa bàn phường.
Để nâng cao hiệu quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm. Thiết lập và phát huy hiệu quả kiểm soát thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội, chính trị trên địa bàn. Thực hiện kế hoạch 13/KH-UBND ngày 10/01/2025 của UBND quận Ba Đình về việc “Công tác An toàn thực phẩm quận Ba Đình năm 2025”; Thực hiện Kế hoạch số 19 ngày 14 tháng 01 năm 2025 của Uỷ ban nhân dân phường Vĩnh Phúc về việc triển khai “Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn phường năm 2025”.
Với tình trạng vệ sinh thực phẩm gây nhức nhối trong xã hội như hiện nay, các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, những người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực thực phẩm đang được yêu cầu đề cao và thắt chặt vấn đề khám sức khỏe vệ sinh an toàn thực phẩm.
Quy định pháp luật về khám sức khỏe vệ sinh an toàn thực phẩm
Cơ sở pháp lý của vấn đề này bao gồm Luật an toàn thực phẩm 2010 và Nghị định 15/2018/NĐ-CP về những hướng dẫn, quy định luật an toàn thực phẩm. Theo đó, chủ cơ sở, người sản xuất, kinh doanh trực tiếp thực phẩm cần đáp ứng đúng, đủ các điều kiện về sức khỏe và kiến thức về khám sức khỏe vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, với người đang lao động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không được mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, lao phổi, tiêu chảy cấp, phong, HIV, các chứng viêm gan, viêm da nhiễm trùng xuyên suốt trong quá trình làm việc. Kết quả đảm bảo điều kiện sức khỏe của chủ cơ sở, người lao động đã khám được thể hiện bằng giấy khám sức khỏe vệ sinh an toàn thực phẩm. Những hướng dẫn và các danh mục khám sức khỏe lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định rõ ràng trong Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/05/2013 của Bộ y tế. Như vậy, chủ cơ sở và người lao động trong lĩnh vực thực phẩm cần đảm bảo sức khỏe ổn định, không mắc các bệnh truyền nhiễm trước và trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Khi bị mắc nhiễm, người bệnh cần ra khỏi khu vực sản xuất, kinh doanh thực phẩm và điều trị dứt điểm tới khi khỏi bệnh mới được quay lại công việc.
Khám tổng quát ban đầu: Thông qua việc đo huyết áp, chiều cao, cân nặng, thị lực,… bác sĩ đánh giá được tình trạng thể lực chung của bệnh nhân, tiên lượng nguy cơ mắc các bệnh về dinh dưỡng, chuyển hóa,…
Khám lâm sàng: Bác sĩ vừa trao đổi với bệnh nhân về bệnh sử của bản thân và gia đình, kết hợp cùng kết quả thăm khám nội, tai – mũi – họng, răng hàm mặt, khám ngoại và da liễu. Qua đó giúp bác sĩ tầm soát các bệnh lý nội khoa cùng triệu chứng các bệnh lý liên quan.
Xét nghiệm: Tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân và danh mục khám, bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm máu, nước tiểu, phương pháp cấy phân,… nhằm phát hiện và sàng lọc các bệnh truyền nhiễm như viêm gan A, E, các vi khuẩn đường ruột, các bệnh về tạng và máu.
Kết thúc quá trình khám sức khỏe, bệnh nhân nắm được thể trạng, phát hiện sớm các bệnh lý của cơ thể. Bác sĩ nhờ đó đưa ra phác đồ điều trị và những lời khuyên thay đổi về lối sống, sinh hoạt sao cho phù hợp.
Khám sức khỏe về vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ là bắt buộc theo pháp luật, mà còn là vấn đề đạo đức và nhân phẩm. Thông qua thực hiện khám sức khỏe, chủ cơ sở, người lao động làm việc trong lĩnh vực thực phẩm nắm được tình trạng sức khỏe bản thân, tuân thủ pháp luật, đồng thời tạo sự an tâm sức khỏe cho người tiêu dùng thực phẩm trong xã hội.