Ngày 24/3 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới phòng chống Lao, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh lao và tăng cường các nỗ lực chấm dứt dịch bệnh lao trên toàn cầu. Chủ đề Ngày Thế giới phòng chống Lao của nước ta năm 2025 là: “Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao”.
Chủ đề này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần: Tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao và mục tiêu nhân văn nhất là cứu sống hàng triệu người trên thế giới không đáng phải chết vì bệnh lao. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, khiến tiến trình đạt được cam kết trong giai đoạn cuối chịu ảnh hưởng nhất định.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 174.000 bệnh nhân lao và nếu không được chữa trị, mỗi người mắc lao sẽ lây nhiễm cho trung bình từ 10 – 15 người khác. Tuy nhiên có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Hiện tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.
Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
Theo các chuyên gia, biểu hiện nghi lao phổi gồm: Ho kéo dài trên 2 tuần, có thể là ho khan, có đờm hoặc ho ra máu. Người bệnh có thể kèm các dấu hiệu như: gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều; Ra mồ hôi “trộm” ban đêm; Đau ngực, đôi khi khó thở.
Những đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh lao gồm: Người tiếp xúc gần, thường xuyên với bệnh nhân lao phổi (người tiếp xúc trong hộ gia đình, nhân viên y tế, cán bộ quản lý tại các khu vưc khép kín hoặc người thân, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm tiếp xúc với bệnh nhân lao…). Người mắc các bệnh mạn tính: đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, suy thận mạn, bụi phổi… Người suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như ung thư, người nhiễm HIV, điều trị Corticoid… Người cao tuổi, nghiện rượu, hút thuốc lá, thuốc lào, người đã có tiền sử điều trị lao.
Khi mắc bệnh, người bệnh lao cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của cán bộ y tế trong quá trình điều trị, dùng phối hợp các thuốc chống lao, uống thuốc đúng liều, đều đặn và đủ thời gian quy định. Không tự ý ngừng, thêm hoặc đổi thuốc. Tái khám đúng hẹn và làm đủ các xét nghiệm trong quá trình điều trị. Thông báo ngay cho cán bộ y tế khi thấy có những biểu hiện bất thường như buồn nôn, nôn, ù tai, chóng mặt, vàng da, chán ăn… Thực hiện các biện pháp phòng bệnh hạn chế lây lan cho người xung quanh. Tập luyện, sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất để nâng sức chống đỡ với bệnh, không hút thuốc lá, không uống rượu bia.
Để bảo vệ sức khỏe của bản thân, của cộng đồng và đạt mục tiêu cam kết đề ra, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về bệnh lao, đồng thời kêu gọi sự quan tâm, hành động, chung tay góp sức của các cấp chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và toàn thể cộng đồng để cùng nhau chiến thắng bệnh lao.
Một số khẩu hiệu Ngày Thế giới phòng chống Lao năm 2025:
1. Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao
2. Tích cực triển khai công điện số 25/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng chống lao
3. Xóa sạch bệnh lao để cứu lấy sinh mạng của hàng chục nghìn người mỗi năm
4. Bảo vệ lá phổi người Việt khỏi bệnh lao – kẻ giết người thầm lặng
5. Vận dụng nguyên tắc: Khoa học – Dân tộc – Đại chúng để chấm dứt bệnh lao!
6. Nguy cơ mắc lao không phân biệt ai!
7. Sàng lọc lao – Tiếp cận dễ dàng – Phương pháp hiện đại – Chính xác tuyệt đối!
8. Phát huy vai trò của y tế cơ sở trong công tác phòng chống lao
9. Thay kỳ thị – Bằng động viên – Chung tay đẩy lùi bệnh lao
10. Đúng thuốc – Đúng liều – Đúng thời gian – Bệnh lao sẽ khỏi!
11. Mạng lưới cơ sở y tế đủ năng lực triển khai hoạt động rộng khắp là lá chắn bảo vệ cộng đồng trước bệnh lao!
12. Tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong quản lý bệnh phổi và kiểm soát lao!
13. Trị lao cho hết một lần – Cho người khỏe mạnh mười phần yên tâm!
14. Lao tiềm ẩn – Không ho chẳng sốt – Nhớ đừng chủ quan!
15. Phòng chống lao – Trách nhiệm của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân, tiến tới thanh toán bệnh lao!