Hiện nay tình trạng đột quỵ trẻ hóa cao ở nước ta do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ chiều ngày 19/3, BCĐ công tác Dân số phường Thành Công tổ chức truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.
Tăng huyết áp (THA) là một bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới. THA ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch và là gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Tỷ lệ người bị bệnh THA trong cộng đồng ngày càng gia tăng và hiện đang ở mức rất cao, đặc biệt ở các nước phát triển. THA gây ra một số tai biến như tai biến mạch máu não (TBMMN), nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa… Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh THA trong cộng đồng, để phòng tránh bệnh THA người dân nên hạn chế các yếu tố nguy cơ sau:
1. Hút thuốc lá, thuốc lào:
Trong thuốc lá, thuốc lào có nhiều chất kích thích đặc biệt có chất nicotin kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm co mạch và gây tăng huyết áp, nhiều nghiên cứu cho thấy hút một điếu thuốc lá có thể làm tăng huyết áp tâm thu lên tới 11mmHg và huyết áp tâm trương lên 9mmHg và kéo dài trong 20-30 phút.
2. Đái tháo đường:
Ở người bị đái tháo đường, tỷ lệ bị THA cao gấp đôi so với người không bị đái tháo đường. Khi có cả THA và đái tháo đường sẽ làm tăng gấp đôi biến chứng mạch máu lớn và nhỏ, làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong so với bệnh nhân THA đơn thuần.
3. Rối loạn lipid máu:
Cholesterol và triglycerid máu là các thành phần chất béo ở trong máu. Nồng độ cholesterol máu cao là nguyên nhân chủ yếu của quá trình xơ vữa động mạch và dần dần làm hẹp lòng các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác trong cơ thể. Động mạch bị xơ vữa sẽ kém đàn hồi và cũng chính là yếu tố gây THA.
4. Tiền sử gia đình có người bị THA:
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh THA có thể có yếu tố di truyền. Trong gia đình nếu ông, bà, cha, mẹ bị bệnh THA thì con cái có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
5. Tuổi cao:
Tuổi càng cao thì tỷ lệ THA càng nhiều, do thànhđộng mạch bị lão hóa và xơ vữa làm giảm tính đàn hồi và trở nên cứng hơn, vì thế làm cho huyết áp tâm thu tăng cao hơn còn gọi là THA tâm thu đơn thuần.
6. Thừa cân, béo phì:
Cân nặng có quan hệ khá tương đồng với bệnh THA, người béo phì hay người tăng cân theo tuổi cũng làm tăng nhanh huyết áp.
7. Ăn mặn:
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều muối (natri chlorua) thì tần suất mắc bệnh THA tăng cao rõ rệt. Người dân ở vùng biển có tỷ lệ mắc bệnh THA cao hơn nhiều so với những người ở đồng bằng và miền núi. Nhiều bệnh nhân THA ở mức độ nhẹ chỉ cần ăn chế độ giảm muối là có thể điều trị được bệnh.
8. Uống nhiều bia, rượu:
Uống rượu, bia quá mức cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch nói chung và bệnh THA nói riêng. Đối với những người phải dùng thuốc để điều trị THA thì uống rượu, bia quá mức hoặc nghiện rượu sẽ làm mất tác dụng của thuốc hạ áp, như vậy làm cho bệnh càng nặng hơn. Ngoài ra, uống rượu, bia quá mức còn gây bệnh xơ gan và các tổn thương thần kinh, từ đó gián tiếp gây THA. Vì vậy, không nên uống quá nhiều rượu, bia để phòng bệnh THA. Hàng ngày, mỗi người chỉ nên uống khoảng 30ml rượu mạnh hoặc 50ml rượu vang hoặc 300ml bia. Nếu uống nhiều hơn sẽ là yếu tố nguy cơ mắc nhiều bệnh trong đó có bệnh THA.
9. Ít vận động thể lực (lối sống tĩnh tại):
Lối sống tĩnh tại cũng được coi là một nguy cơ của bệnh THA. Việc vận động hằng ngày đều đặn từ 30 đến 45 phút mang lại lợi ích rõ rệt trong giảm nguy cơ bệnh tim mạch trong đó có bệnh THA.
10. Stress (căng thẳng, lo âu quá mức):
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng căng thẳng thần kinh, stress làm tăng nhịp tim, động mạch bị co thắt dẫn đến THA.
Một số hình ảnh tại buổi truyền thông: