Hưởng ứng Tuần lễ An toàn vệ sinh lao động (15-21/3/2025), Trung tâm Y tế quận Ba Đình thông tin một số kiến thức cơ bản về an toàn vệ sinh lao động nhằm mục đích nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn.
1. Về trách nhiệm của người sử dụng lao động
– Các đơn vị, doanh nghiệp đã triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa chủ yếu như: kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng. Hằng năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất – kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều lập kế hoạch, biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động. NLĐ làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc theo quy định.
– Người lao động (kể cả học nghề) trước khi vào làm việc phải được khám sức khỏe, người sử dụng lao động căn cứ vào sức khỏe của người lao động để bố trí việc làm và nghề nghiệp cho phù hợp.
– Trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân và thực hiện tốt các chế độ khác về an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ đối với người lao động theo qui định của nhà nước.
– Tổ chức huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ đầy đủ cho người lao động theo qui định và tuyên truyền, giáo dục cho người lao động tự giác chấp hành các qui định về an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ, tạo điều kiện cho người lao động được tham gia vào tất cả các giải pháp cải thiện điều kiện lao động. Đặc biệt chú ý đến những người lao động làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.
– Tại nơi làm việc của người lao động phải có đủ các phương tiện vệ sinh lao động như phòng vệ sinh, có đủ nước sạch, có nơi tắm rửa nghỉ ngơi và nhà ăn hợp vệ sinh. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng một góc sức khỏe là nơi mà người lao động có thể đọc các loại sách, tờ rơi, tranh áp phích tuyên truyền phòng bệnh, hướng dẫn sử dụng sử dụng các túi cấp cứu. Nếu doanh nghiệp có điều kiện có thể bố trí phòng riêng.
2. Về trách nhiệm của người lao động
– Phải chấp hành các qui định, nội quy về an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ có liên quan đến công việc được giao. Có trách nhiệm sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang bị và các thiết bị an toàn, vệ sinh tại nơi làm việc.
– Nâng cao hiểu biết, rèn luyện tính ý thức kỷ luật trong lao động không nên mãi chạy theo tiến độ năng suất mà quên đi nhiệm vụ hàng đầu là phòng ngừa tai nạn lao động.
– Phải báo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ gây tai nạn lao động, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp, gây độc hại hoặc sự cố nguy hiểm, tham gia cấp cứu và khắc phục hậu quả tai nạn khi có lệnh của người sử dụng lao động.
3. Các nguyên tắc an toàn lao động
Nguyên tắc 1: Tuân thủ chỉ dẫn an toàn máy móc
Tuân thủ các chỉ dẫn an toàn trong sử dụng máy móc, thiết bị trong các công xưởng hoặc nơi làm việc. Đối với nguyên tắc này, cần chú ý đến cả các kiểm định an toàn của máy móc để đảm bảo máy móc hoạt động tốt, an toàn cho người sử dụng thì mức độ xảy ra tai nạn mới được hạn chế nhất.
Nguyên tắc 2: Đảm bảo vệ sinh nơi làm việc
Người lao động cần thường xuyên dọn dẹp, sắp xếp nơi làm việc của mình giúp cho không gian làm việc gọn gàng và sạch sẽ hơn. Điều này sẽ tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả, đồng thời tránh được những phát sinh gây ảnh hưởng đến các thiết bị khác.
Nguyên tắc 3: Nguyên tắc về an toàn điện
Tại những nơi có nguồn điện và các kết nối dây điện thì chúng ta cần thật sự chú ý, đặt ở những nơi cao ráo, tránh nước, vì nước có khả năng dẫn điện, trong trường hợp điện bị rò rỉ không may bị ngập nước thì chắc chắn sẽ gây ra những tai nạn về điện rất lớn. Vì thế, trong quá trình lao động, cần đảm bảo quy tắc an toàn về điện.
Nguyên tắc 4: Trang bị đầy đủ thiết bị phòng cháy chữa cháy
Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, bất cứ công ty, nhà xưởng nào đều phải trang bị thật đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy, mặc dù đó là điều không ai mong muốn xảy ra nhưng đây là điều kiện để bảo vệ người lao động trong trường hợp có sự cố. Đây cũng là điều được pháp luật khẳng định.
Nguyên tắc 5: Bảo quản hóa chất
Nguyên tắc này được áp dụng đối với các công ty sản xuất có sử dụng các loại hóa chất nguy hiểm, vì thế, để đảm bảo tốt nhất sự an toàn, các công ty nên có phương án bảo quản hóa chất an toàn, tránh các tai nạn không mong muốn xảy ra.
Nguyên tắc 6: Lối thoát hiểm
Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng trong an toàn lao động, mỗi công xưởng đều phải trang bị những lối thoát hiểm riêng để phòng trường hợp có sự cố xảy ra thì người lao động vẫn có được lối đi đảm bảo an toàn.
Nguyên tắc 7: Trang bị đầy đủ đồ dùng lao động
Trong quá trình tham gia lao động, để đảm bảo an toàn khi lao động, cần chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng lao động đến các thiết bị bảo hộ như quần áo, mũ, kính, găng tay để đảm bảo sự an toàn tối đa cho bản thân.
Nguyên tắc 8: Khoá huấn luyện an toàn lao động
Khoá huấn luyện an toàn lao động là một trong những điều kiện cơ bản giúp người lao động nắm được những kiến thức về an toàn lao động, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ bản thân cũng như tài sản của công ty.